(PetroTimes) - Trong giấc mơ thường gặp ác mộng, ma quỷ…, và đây cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi, rất nhiều mâu thuẫn hiện hữu trong các quan niệm về ma. Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho đề tài “huyền bí“ này, như: có ma hay không? Tại sao trong giấc mơ, con người hay liên tưởng tới ma? Tất cả mọi người khi mất đi thì có thành ma hết không?... PV chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá dài hơi với người mở lối trong lĩnh vực tâm linh – TS Vũ Thế Khanh, người được gọi là “chuyên gia ma” trong “ngôi nhà ma” mà rất nhiều báo chí đã đề cập đến – tại Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng có trụ sở tại Số 1 Đông Tác – Kim Liên- Đống Đa – Hà Nội.
PV: Thưa TS, trong giấc mơ thường gặp ác mộng, ma quỷ, vậy có ma hay không? Nếu có ma, có thể chia thành mấy loại? Tại sao trong giấc mơ, con người hay liên tưởng tới ma? Tất cả mọi người khi mất đi thì có thành ma hết không?. Ma ở nghĩa địa là loại ma gì, có đáng sợ không?
TS Vũ Thế Khanh: Khi ta ngủ, trong trí não hiện lên rất nhiều giấc mơ, liên tiếp, đan xen, không rõ ràng và khi tỉnh dậy, đa phần chúng ta quên, nếu có nhớ thì chỉ mang máng mơ hồ. Tuy nhiên có những giấc mơ gây xúc động mạnh và làm chúng ta hoảng loạn hoặc bức xúc thì có thể làm ta choàng dậy.
Vậy hiệu ứng nào tạo nên những giấc mơ đó? Nguyên nhân thì có rất nhiều, chúng ta sẽ đề cập và giải mã sự kỳ dị của những giấc mơ ở chuyên đề tiếp theo, còn trong phạm vi cuộc phỏng vấn này chúng ta quan tâm đặc biệt đến những cơn ác mộng gặp ma quỷ.
TS Vũ Thế Khanh
Ngoại ma và nội ma
Ma không chỉ có một loại, mà có đến 10 loại Ma, và được chia thành 2 nhóm là Ngoại Ma (hay còn họi là Thiên Ma) và Nội Ma (Tâm Ma). Đa số dân chúng hiểu khái niệm “Ma” nghiêng nhiều về loại Ngoại Ma, còn Nội Ma thì không mấy ai chú ý đến.
Vậy NGOẠI MA là gì ?
Ngoại Ma là phần vật chất vi tế thoát ra và cắt đứt được sự ràng buộc với cơ thể hữu hình khi cơ thể ấy không còn chức năng sinh học (tức bị Chết).
Phần vật chất hữu hình của cơ thể, gọi là xác thân, hoặc còn gọi là Thân tứ đại, bao gồm 4 đại lượng chính (Đất, Nước, Gió, Lửa).
Phần vật chất vô hình vi tế, tuy mắt thường không nhìn thấy, nhưng nó vẫn tồn tại, ngay cả trường hợp phần thể xác không còn nữa. Khi con người chết đi thì lực lượng vật chất này thoát ra khỏi thân tứ đại, tiếp tục tồn tại dưới dạng thân Trung ấm, và chờ đủ duyên thì đi tái sinh vào lục đạo luân hồi tương ứng với nghiệp lực đã gieo theo lý Nhân Duyên Quả.
Khi lực lượng tâm thức này thoát ra, sẽ được thể hiện dưới nhiều dạng phong phú, và được gọi bởi nhiều cái tên khác nhau (tùy theo mức độ tiến hóa Tâm linh của người đó), như có thể gọi: Người âm , Cô hồn, linh hồn, Vong, Vong linh, Hương linh, Anh linh, Chân linh, Giác linh,... Đạo Phật gọi phần vật chất vô hình này với cái tên chung là THẦN THỨC.
Đương nhiên, khi chưa đi tái sinh thì các phần vật chất (dạng Thần Thức) này sẽ có tương tác rất mạnh với thể giới hữu hình theo lý nhân duyên Tương sinh và Tương khắc. Tương sinh là do có ân nghĩa, thân thuộc với nhau, Tương khắc là do có thù oán, nợ nần với nhau khi còn tại thế.
Dạng thần thức này thường được gọi chung là MA (hay Ngoại Ma, Thiên Ma), do vậy khi đi dự tang lễ, người ta thường gọi là đi viếng đám Ma, hay là đi đưa Ma, …
Ngoại Ma là yếu tố mang tính khách thể, tồn tại độc lập với xác chết, nhưng vẫn còn có ảnh hưởng tương tác với yếu tố chủ thể của cơ thể sống.
Ngoại Ma mang tính khách quan bởi vì nó là sự kiện ngoại cảnh nằm ngoài cơ thể (nên gọi là Ngoại), nó tác động đến chủ thể chứ không phải do chủ thể phát sinh ra nó.
Ngoại Ma có tương duyên với yếu tố chủ quan của mỗi cơ thể sống là bởi tuân theo nguyên lý cộng tác dụng: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Điển hình cho trạng thái này là câu ví von trong dân gian: “đi với Bụt mặc áo Cà Sa, đi với Ma mặc áo giấy”.
Ngoại Ma cũng có loại Thiện, loại Ác tùy theo căn cơ của chúng sinh, và chúng cũng có đầy đủ các phép thần thông (như nhân vật Bạch Cốt Tinh trong chuyện Tây Du Ký vậy). Ngoại Ma có khả năng biến hóa thần thông nên Ngoại Ma thường dùng sở trường này làm phương tiện cứu cánh để chuyển thông điệp đến thế giới hữu hình. Để ám chỉ khả năng biến hóa của Ngoại Ma, người ta thường nói: “Bụt cao 1 trượng, Ma cao 10 trượng”.
Ngoại Ma cũng giống như đạo giang hồ - chỉ ưa dùng võ công để phân định cao thấp chứ không ưa dùng luật pháp. Tuy nhiên, với những người tu hành chánh đạo thì họ không đề cao Thần thông mà chỉ coi trọng luật Nhân Quả: “Thần thông không bằng Đạo thông”, cũng ví như nhà chức trách thi hành công vụ thì dùng pháp luật là chính, không lạm dụng vũ lực hoặc võ thuật.
Nội ma là gì?
Trước hết, về ý nghĩa tượng trưng thì “Ma” là một phạm trù chỉ những điều xấu ác, tiêu cực, mờ ám trong ý thức và hành vi của đương sự. Phạm trù này được thể hiện trong cách nói như: âm mưu Ma quỷ, mưu Ma chước quỷ, liên minh Ma quỷ, thói ranh Ma, Ma mọi, Ma túy... Do vậy khái niệm “Ma” không nhất thiết dùng để chỉ thần thức của người đã khuất, mà còn dùng để ám chỉ cho hành vi của cái tâm bất lương, ngay cả khi người đó còn sống vẫn có thể gọi là Tâm Ma.
Trong kinh sách nhà Phật đã chỉ ra 9 loại Nội Ma, tức là 9 loại tiêu cực phát sinh trong tâm thức của hành giả như:
1-Ma oan nghiệt nhiều đời,
2- Ma phiền não,
3- Ma sở tri,
4- Ma tà kiến,
5- Ma vọng tưởng,
6 - Ma khẩu nghiệp,
7- Ma bệnh khổ,
8- Ma thùy miên,
9- Ma mỵ (ma men, ma túy...).
Phạm trù Nội Ma thường được đề cập trong các giáo điển của Phật Giáo.
PV: Thưa TS, vậy thế giới Ma có phải là tâm linh không?
TS Vũ Thế Khanh: Ma và Tâm linh là 2 phạm trù có đẳng cấp hoàn toàn khác nhau. "Tâm linh" là từ Hán Việt, được ghép bởi 2 thành tố là “Tâm” và “Linh”. Tâm có 2 dạng thức: Chân tâm và Vọng tâm.
“Chân tâm” là cái Tâm hằng sáng suốt (bất sinh bất diệt) mà các bậc chân tu thường hướng tới. “Vọng tâm” là những tình thức (ái, ố, hỷ, nộ, lạc, ai, dục) trỗi dậy khi 6 căn thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
“Linh” là khái niệm dùng để chỉ cho những sự kiện có tính trong sáng, mầu nhiệm, thiêng liêng, kỳ diệu. “Linh” chỉ được dùng với những đối tượng mang tính tích cực chứ không dùng cho các sự kiện mang tính tiêu cực, mờ ám, (cũng giống như “hiền tài, nhân tài” chỉ được dùng cho các bậc vĩ nhân có tư cách cao quý chứ không dùng cho những người giỏi tham nhũng hoặc giỏi phi dao, bắn súng, giỏi trèo tường khoét vách để cướp bóc ). Nghịch nghĩa với “Linh” là “Ám muội”. Người ta chỉ dùng từ “Linh” cho các bậc thần thánh (Thần linh. Thánh linh, Thiên linh, Địa linh), chứ không dùng từ “Linh” cho Ma quỷ. Không ai gọi là Ma linh, Quỷ linh, mà chỉ gọi Ma ám, Quỷ ám.
Như vậy, Tâm linh là khái niệm để chỉ cái “Tâm trong sáng, màu nhiệm”, trái ngược với Tâm linh là Tâm ám muội.
Cần phân biệt rõ, Tâm linh và Ma quỷ là 2 phạm trù khác xa nhau về bản chất sự việc (cũng như bác sỹ thì có thể nghiên cứu về sức khỏe, về vi trùng, nhưng bác sỹ không đồng nghĩa với vi trùng).
Hiện nay, người ta thường lạm dụng khái niệm “Tâm linh” để chỉ chung cho thế giới vô hình của người đã chết, hoặc các sự việc huyền bí, thậm chí cả ma quỷ cũng gọi là “chuyện tâm linh”... Điều này làm cho khái niệm Tâm linh mất đi tính tích cực.
Như vậy, cũng không nên băn khoăn là “có Ma hay không có Ma”, mà cần phân biệt dạng ma nào, và tính chất của nó ra sao.
PV: Ở nghĩa địa, mọi người thường cho rằng trong đó có nhiều ma, vậy ma đó là dạng nào? Ra nghĩa địa có bị ma theo về nhà không?
TS Vũ Thế Khanh: Ma tại nghĩa địa thường là Ngoại Ma (là nơi lưu giữ tần số thần thức của người đã chết). Nhiều người sau khi ra nghĩa địa về nhà thường bị ốm đau, ma chướng. Điều này cũng có thể bị Ngoại Ma báo ứng do nhân quả, nhưng đó chỉ là hãn hữu, vì đã là nghiệp chướng thì cho dù ta ở bất cứ đâu, Ngoại Ma vẫn có thể tìm đến để “đòi nợ”. Nhiều trường hợp đến nghĩa địa, trở về nhà thì bị ốm đau, ma chướng, đa phần là do bị nhiễm độc của yếu tố môi trường. Cần hiểu rằng, ở nghĩa địa các xác người chết bị phân hủy, các thán khí độc hại thoát ra từ thịt và xương của động vật bị thối rữa, rất có hại cho cơ thể người còn sống. Nếu ta bị các luồng khí độc đó xâm nhập (gọi là bị ám khí, tà khí, âm khí) cộng với quang cảnh thê lương tác động khiến cho ta rất dễ bị ngộ độc về Tâm cũng như về Thể. Trường hợp này cần xông hơi, đánh cảm để đẩy khí độc ra khỏi cơ thể là được, không nên tin vào mấy vị thầy rởm cúng kiếng linh đình mà tiền mất tật mang.
PV: Tại sao trong giấc mơ, con người hay liên tưởng tới ma?
TS Vũ Thế Khanh: Khi ngủ, người ta mơ rất nhiều thứ, mỗi giấc mơ thường tồn tại từ 3 đến 5 phút, sau đó lại bị chen bởi các giấc mơ khác, kế tiếp nhau. Trong các giấc mơ đó, gặp ma quỷ hoặc bị kẻ cướp đuổi thì thường làm cho ta sợ nhất.
Ma trong giấc mơ có thể là Ngoại Ma đến giao tiếp, nhưng cũng có thể là Nội Ma phát sinh ra, tùy theo căn thức, tín ngưỡng và sức khỏe của mỗi người.
Ngoại Ma thường xuyên gửi các tín hiệu đến thế giới hữu hình, nếu ta có khả năng ngoại cảm thì rất dễ bắt được các tín hiệu này và có thể giải mã được nó, ngay cả khi ta thức. Nhưng vì đa phần chúng ta chưa có khả năng ngoại cảm, chỉ khi ngủ, các căn thức mới được đóng lại nên phần tâm thức dễ tiếp thu được các tần số do Ngoại Ma gửi tới.
Tuy nhiên, không phải giấc mơ nào cũng là do Ngoại Ma gửi thông tin, mà đa phần do Nội Ma, hoặc do tiềm thức Nhân Quả từ quá khứ chiêu cảm nên. Do vậy, khi giải mã những giấc mơ liên quan đến ma quỷ, ta chưa thể quy kết vội vàng là Ngoại Ma hay Nội Ma.
PV: Nếu có ma, xin TS có thể nêu cụ thể?
TS Vũ Thế Khanh: Trong Chương trình nghiên cứu các khả năng đặc biệt của con người của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng tại Số 1 Đông Tác - Kim Liên- Đống Đa - Hà Nội có một mảng khá thú vị. Đó là các cuộc giao lưu với người đã mất.
Tại đây, hàng năm đã diễn ra hàng vạn cuộc giao lưu với hương linh liệt sỹ hoặc gia tiên của các gia đình, dòng họ. Đó là cuộc giao lưu với Ngoại Ma (linh hồn người đã chết). Ví dụ thì có quá nhiều nhưng bằng chứng thực tế là từ các cuộc giao lưu này, hàng vạn các ngôi mộ liệt sỹ và gia tiên đã được tìm thấy và được kiểm định theo ngôn ngữ của khoa học hình sự. Trong các ca khảo nghiệm, nhiều vật chứng cũng đã được tìm thấy, nhiều sự kiện xảy ra hoàn toàn trùng khớp với thông tin do lực lượng vô hình dự báo từ trước, điều đó chứng tỏ sự tồn tại của thế giới Ngoại Ma là mang tính khách quan.
Tuy nhiên, trong xã hội, có nhiều người lợi dụng hình thức này, nhập nhằng giữa Nội Ma và Ngoại Ma để lừa bịp, hành nghề mê tín dị đoan.
PV: Với quan niệm của nhiều người, ma thường làm điều xấu, gây cho con người sự sợ hãi. Vậy Ma có ác như người ta vẫn nghĩ không?
TS Vũ Thế Khanh: Ngoại Ma (hay còn gọi là Thiên Ma) là khái niệm chỉ Thần thức của người đã chết. Cách ứng xử của thế giới Ngoại Ma không xấu ác như người ta vẫn nghĩ, mà đa phần là tương tác theo nghiệp báo của Nhân quả (có ân thì báo ân, có oán thì trả oán).
Trong các ca khảo nghiệm về ngoại cảm, ta thấy linh hồn của người thân đã mất (như tổ tiên, ông bà, cha mẹ…) vẫn che chở và thương yêu con cháu như lúc họ còn tại thế. Ngược lại, với những trường hợp khi họ còn sống bị đánh đập, bị giết hại, bạc đãi… thì linh hồn của họ cũng rất sân hận và luôn có ý định báo thù theo Nhân Quả.
Khi chết đi, thì linh hồn (ngoại ma) hoàn toàn có thể thấy biết được các hành vi xấu của kẻ khác đối với mình. Vì sợ bị Ngoại Ma trả thù, dọa nạt, cộng với việc khi đã làm điều khuất tất thì Nội ma sẽ chiêu cảm, nên người ta mới hay “sợ ma”.
Hơn nữa, Ngoại ma là lực lượng vô hình vô ảnh, thoắt ẩn thoắt hiện rất khó đối phó, lại thường xuất hiện bất ngờ, kinh dị, nên những người có hành vi xấu ác không thể trốn chạy, đã sợ lại càng lại càng sợ hơn.
Tuy nhiên, với những người có đạo lực cao, có tâm từ bi sáng suốt thì họ cũng không sợ Ngoại ma, ngay cả khi mơ thấy ma. Các nhà ngoại cảm hoặc các bậc tu hành “gặp ma” là chuyện bình thường. Họ không sợ vì thấy rằng thế giới Ngoại ma cũng tôn trọng luật Nhân quả, thậm chí thế giới Ngoại Ma rất muốn nghe sự nhắc nhở, khai thị của các bậc minh sư tu hành đắc đạo. Ngoại ma rất thèm khát được cứu độ bằng năng lực Tâm linh, và mong cầu sự từ bi Ba la Mật.
Ngược lại, khi ai đó đã làm việc xấu ác thì Nội Ma luôn thường trực trong tâm trí họ, do vậy chẳng cứ lúc ngủ mơ mà ngay cả khi thức họ cũng luôn bị ám ảnh bởi ma báo thù, khiến cho thần trí bất an, than tâm hoảng loạn, vì vậy, nhân dân ta mới có câu tục ngữ: “có tật giật mình”.
Trong đời sống hàng ngày, người ta thường sợ Ngoại Ma mà quên đi tác hại của Nội Ma. Thực ra, Nội Ma mới đáng sợ, vì Nội Ma bắt nguồn từ Ác Tâm, nên tác hại của nội ma rất lớn. Vì Nội Ma nằm trong tâm khảm của hành giả nên nó là “giặc trong nhà”, ta rất dễ bao biện và bênh vực nó, khiến cho ta bị nó cảm hóa và biến ta thành kẻ tòng phạm .
Những người tu hành họ không sợ Ngoại Ma mà thường cảnh giác với Nội Ma. Chiến thắng với những thói xấu ác, chiến thắng huyễn ngã, ma tính trong tâm hành giả mới là điều khó nhất. Do vậy, ở chùa người ta thường đề bức hoành phi ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN, ý nói chiến thắng chính mình mới là ĐẠI HÙNG.
(Còn tiếp)
V.T.A (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã comment.