Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Lập miếu thờ Cây Lược Vàng



Nhờ những bài thuốc điều chế từ cây lược vàng mà cụ Lê Sầm (P.305 nhà C7, phường Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) đã tự chữa khỏi những căn bệnh kinh niên quái ác "hành" cụ từ hàng chục năm trước
Cụ Lê Sầm bên tủ thuốc do tự tay cụ chiết xuất từ cây lược vàng.
Ảnh: H.L
Biết ơn loài cây thuốc này cụ đã tự lập một ngôi miếu thờ trong khuôn viên khu tập thể như cách tri ân "ân nhân" đã cứu giúp mình qua cơn bạo bệnh. Việc làm của cụ đã khiến không ít người tỏ ra ngạc nhiên.
Quyết giành lại mình từ tay "thần chết"
Đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm" (86 tuổi) cụ Lê Sầm vẫn đi lại nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh anh, thần trí mẫn tiệp... chỉ mỗi tội cả hai tai đều bị điếc rất nặng. Không ai biết rằng, để được như hôm nay cụ Lê Sầm đã từng phải đối mặt với rất nhiều bệnh kinh niên quái ác và cụ đã từng chạy chữa nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc... nhưng vẫn không hề thuyên giảm. Số phận run rủi thế nào cụ lại biết đến cây lược vàng và chính nhờ cây thuốc này mà cụ đã tự giành giật lại mình từ tay "thần chết".
Cụ Lê Sầm cho biết, cách đây khoảng 5 năm, cụ mắc bệnh khớp nặng. Nặng đến nỗi cứ mỗi lần thời tiết thay đổi là cổ tay, cổ chân xưng vù khiến cụ đi lại rất khó khăn. Tiếp nữa là bệnh viêm đại tràng mãn tính. Mùa đông cũng như mùa hè, chỉ cần bụng bị lạnh là có thể bị đi ngoài cả tuần không dừng lại được. Thêm đó là bệnh trĩ độ ba và viêm nhiễm vành hậu môn nặng, cả hai căn bệnh này cũng khiến cho việc ăn uống, đứng lên ngồi xuống của cụ rất khổ sở. Từ chỗ đó, cụ Sầm buộc phải tìm cách tự chữa chạy cho mình bằng các bài thuốc dân gian do các cụ xưa truyền lại được chiết xuất nên từ các loại thảo mộc. Từ năm 1999, cụ Sầm bắt đầu bắt tay vào trồng và nghiên cứu các cây thuốc như: đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, tu linh (cây lá khỉ), cây lô hội... để bào chế thuốc tự chữa bệnh cho mình. Nhưng vì những loài cây này rất khó trồng, chiết xuất lại khó nên cụ dần mất kiên nhẫn rồi bỏ hẳn.
"Nghe bà con nói cây lược vàng rất dễ trồng, dễ chế thuốc, nhanh thu hoạch, lại chữa được nhiều bệnh... nên tôi chuyển hướng sang trồng loại cây này và tự mày mò nghiên cứu. Tôi đi xin giống cây lược vàng về trồng rồi sưu tầm tài liệu về nghiên cứu. Rất may bà Ngải, thường trú ở K1, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tặng tôi quyển sách "Cây Lược vàng chữa khỏi 100 bệnh". Tôi nghiên cứu rất kĩ cuốn sách này rồi bắt tay vào thực nghiệm...
Mới đầu, tôi đi xin một số đoạn thân cây lược vàng từ nhà một người quen về trồng trong bốn chiếc chậu sứ. Sau đó không lâu có thông tin nói về việc có nhà khoa học trồng cây lược vàng, chế xuất thành thuốc, sau đó lấy thuốc đó thử nghiệm trên chuột thì chuột bị chết. Thấy thế, tôi sợ, không dám trồng nữa. Cả bốn chậu lược vàng tôi trồng lúc này đã xanh tốt, sắp thu hoạch được, tôi đem cho hết." - cụ Sầm nhớ lại những ngày đầu "bén duyên" với lược vàng.
Vừa lúc đang mất hết hy vọng về những bài thuốc quý được điều chế từ cây lược vàng có thể giúp bản thân chữa khỏi những căn bệnh đang mang trên thân thể thì một lần về quê Thanh Hóa cụ Sầm tình cờ đọc được một số bài viết trên báo Thanh Hóa phản bác lại các thông tin trên. Thấy những lý lẽ phân tích trên báo rất đủ độ tin cậy nên cụ lại khôi phục lại lòng tin, bắt tay trồng cây lược vàng trở lại. Lần này cụ nghiên cứu nhiều loại tài liệu hơn và rất thận trọng với từng thông tin.
Trên mỗi chai thuốc cụ Sầm cẩn thận ghi đầy đủ thông tin.

Dấu tích của ngôi miếu thờ thần dược lược vàng ngay trong khuôn viên khu tập thể Nghĩa Tân.

Tự chế thuốc
"Tôi quyết định phải tự tay mình điều chế thành thuốc để thử chữa bệnh cho chính bản thân mình. Đầu tiên, tôi tập trung chữa khớp vì khớp là bệnh nặng, ảnh hưởng đến việc di chuyển của tôi hàng ngày. Tôi dựa vào sách "Cây lược vàng quý như vàng, chữa khỏi và giàm 100 bệnh tật" của ông Bùi Huy Bằng để thu hoạch, điều chế và tự tạo bài thuốc cho mình. Tất nhiên, trên cở sở sự chỉ dẫn của ông Bùi Huy Bằng tôi có điều chỉnh, thêm bớt đi một chút ít" - cụ Sầm chia sẻ.
Cụ Sầm say mê nghiên cứu các bài thuốc đến nỗi cuốn sách cụ đọc lúc nào cũng đặt trên đầu giường và đã sờn góc vì dở đi dở lại quá nhiều. Ấy thế mà cụ còn cẩn thận ghi đầy đủ các thông tin như: ngày giờ thu hoạch, số lượng vòi lược vàng được hái, cách thức chiết xuất, thành phần chứa trong các chai, tác dụng của mỗi loại thuốc... vào một cuốn sổ tay nho nhỏ, đi đâu cụ cũng mang theo để ai cần hỏi gì là có thể giải đáp.
Mở hai cánh cửa của chiếc tủ thờ đặt ở ngay phòng khách, cụ Sầm hào hứng đưa các chai thuốc ra cho khách xem. Trên mỗi chai thuốc, cụ cẩn thận ghi chép các thông tin vào một tờ giấy rồi dán lên ngoài thành chai. Đây chính là những chai thuốc do chính cụ tự tay trồng, chiết xuất, cất giữ... để tự chữa bệnh cho mình nhưng hễ có ai tìm đến xin thì cụ lại không ngần ngại cho họ.   Theo cụ Sầm thì cây lược vàng rất dễ trồng, dễ chăm và rất nhiều trong dân gian. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là khi thu hoạch loại cây này phải thu hoạch vào thời điểm mặt trời chưa mọc hoặc mặt trời đã tắt hẳn. Vì khi mặt trời đã tắt hẳn hoặc chưa mọc thì sẽ không làm cây diễn ra quá trình quang hợp và như thế mặt trời sẽ không thu mất chất diệp lục của cây.
"Tôi thì thường thu hoạch lúc 3h hoặc 4h sáng. Một điều rất cần phải lưu tâm mà nhiều người không biết đó là cây lược vàng rất kỵ kim loại nên khi thu hoạch hoặc dùng tay hoặc dùng vật sắc bằng nhựa, tre, nứa... chứ không được đụng bất kỳ vật kim loại nào vào. Ngay cả vật đựng cũng phải tránh làm bằng kim loại, bởi như thế thì sẽ làm mất đi tác dụng của loại cây này”.
Xây miếu tri ân... cây
Cụ Sầm cũng chia sẻ, nhờ biết cách điều chế các bài thuốc một cách linh hoạt và chịu khó mày mò mà cụ đã tự chữa được khỏi nhiều bệnh cho mình. Cụ kể, sau khi đã khỏi các bệnh đã kể, cụ sinh hoạt nhanh nhẹn hơn hẳn. Có thời điểm cụ rất hào hứng tập thể dục dù trời mùa đông cực kỳ lạnh. Có lần cụ bắc ghế trèo lấy một đồ vật trên tủ không may ghế bị nghiêng khiến cụ ngã xuống đau đớn. Ngay lập tức cụ nhờ anh con trai dùng rượu ngâm bã lược vàng có sẵn xoa bóp là mọi đau đớn tan biến lúc nào không biết.
Cũng có lần anh con trai của cụ mua một chiếc giường mới để thay giường cũ, thấy tiếc cụ mang hai tấm liếp xuống kê dưới nhà bếp. Đang kê thì bất ngờ hai liếp giường đổ xuống, đè vào tay khiến cụ chảy máu và bong gân. "Hôm đó tôi đau quá, đau không chịu nổi, định đi viện nhưng tôi thử lấy bã lược vàng đắp vào vết thương kèm theo dùng thuốc bôi thế mà chỉ một lúc sau là con đau dứt hẳn".
Trước đó, cụ Sầm có u thịt mà cụ gọi là "hạt cơm" ở khóe mắt, rất vướng víu mỗi khi đeo kính hoặc rửa mặt. Nhưng từ ngày biết đến cây lược vàng, hàng ngày cụ lấy một nắm lá tươi dã ra, cho thêm một vài hạt muối rồi đắp vào "hạt cơm" băng lại. Chỉ đắp khoảng 3 miếng thì "hạt cơm" xẹp dần rồi biến lúc nào không biết.
Tri ân cây thuốc đã giúp mình và giúp mọi người chữa được bệnh tật cụ Sầm quyết định dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ thần dược cây lược vàng. Ngày xây miếu, cụ cùng cụ bà tự tay mua gạch, xi măng, ngói... về xây ngay trong khuôn viên khu tập thể, nơi cụ trồng nhiều nhất cây lược vàng.
Bây giờ, cụ Sầm không trồng nhiều cây lược vàng như trước nhưng trong khu tập thể Nghĩa Tân của cụ thì nhà nào cũng trồng ít nhất đôi ba chậu. Tuy nhiên, hàng ngày cụ Sầm vẫn đều đặn dạo qua các chậu cây lược vàng để chăm sóc, thăm nom như thăm một người bạn. Với cụ thì cây lược vàng không chỉ là cây thuốc quý mà còn là một thần dược rất linh nghiệm nếu người trồng có lòng tin vào nó.
Theo Giadinh.net
Hà Tùng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã comment.