Nhiều người tin rằng “bóng đè” là do “người âm” hoặc “thần
thánh” gây ra, hoặc do người bị “yếu bóng vía”. Từ đó dẫn đến tình trạng dán
bùa đeo ngải, uống nước thải tàn nhang để mong “trục xuất” bóng ra… Vậy thực hư
của hiện tượng này là gì?
Các trạng thái khác nhau của hiện tượng “bóng đè”
Trên thực tế, có rất nhiều kiểu “bóng đè” với những diễn biến
khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, có một điểm chung là sự tức ngực, ngạt thở giống
y hệt như những triệu chứng lâm sàng của một cơn ngừng tim, suy hô hấp nhưng
không vùng vẫy hay kêu la được... Nhiều người tỉnh rồi mà vẫn còn sợ, không dám
hoặc không thể ngủ tiếp được nữa.Ngành tâm thần học chia “bóng đè” thành 3
nhóm:
* Ảo giác đột nhập: Người bị “bóng đè” dạng này thường thấy có
người lạ vào phòng mình, đi lại xung quanh hoặc ngồi ngay lên giường ngủ… Cảm
giác sợ hãi khiến cơ thể họ tê cứng, khó thở, lúc tỉnh dậy mình mẩy mỏi nhừ...
là hậu quả của những cơn co cơ.
* Ảo giác thăng bằng: Hiện tượng này có liên quan đến chứng rối
loạn tiền đình. Người bị “bóng đè” dạng này thường thấy mình bị rơi xuống vực
sâu hoặc ngã từ trên những tòa nhà cao tầng xuống đất với những cảm giác y như
thật, chẳng khác gì đi máy bay trong những hôm thời tiết xấu, máy bay lọt vào một
ổ trống không khí, ruột gan như muốn trào ra ngoài. Một cảm giác “thật” xuất hiện
trong một thực tế “ảo”.
Điều rất đặc biệt là khi rơi, khi ngã, họ không bao giờ thấy
mình chạm đáy mà chỉ rơi lưng chừng là họ đã tỉnh giấc vì sợ. Lúc đó, người họ
vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, chân tay co quắp, phải mất vài ba phút họ mới
trấn tĩnh lại được.
* Ảo giác thực thể: Đây là dạng “bóng đè” phổ biến nhất, phần
lớn xuất hiện vào khoảng gần cuối giấc ngủ. Những người này bị “bóng đè” ở vùng
ngực, bụng khiến họ như tê dại, không thở được. Chỉ đến khi xuất hiện tình trạng
thiếu oxy lên não thì họ mới tỉnh. Lúc ấy, họ thở hổn hển, ra nhiều mồ hôi. Có
người do suy nhược thần kinh, một đêm bị “đè” 2-3 lần khiến họ “sợ” ngủ. Lâu
dài dẫn đến suy nhược cơ thể.
Giải mã bí ẩn của “bóng đè”
“Bóng đè” đã được nhắc đến từ vài nghìn năm trước. Nhưng thời
đó người ta tin rằng “bóng đè” là hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, do thần
thánh hoặc ma quỷ gây ra. Khi y học phát triển và hiện tượng “bóng đè” lần lượt
được các nhà tâm thần học giải mã, các khảo sát về hoạt động của hệ thần kinh
đã đi đến kết luận rằng “bóng đè” là hệ quả của sự rối loạn giấc ngủ mà nguyên
nhân là khả năng điều tiết vòng tuần hoàn “thức - ngủ” của não bộ bị đứt quãng.
Ở một người bình thường, giấc ngủ diễn ra theo từng chu kỳ,
mỗi chu kỳ kéo dài từ 90-110 phút, được chia thành 2 giai đoạn là giai đoạn đầu
và giai đoạn sau của giấc ngủ. Giai đoạn đầu của giấc ngủ kéo dài khoảng 70-90
phút được chia thành bốn trạng thái: Trạng thái một kéo dài 5-10 phút, lúc đó
thường chỉ lơ mơ và rất dễ tỉnh giấc. Trạng thái hai kéo dài khoảng 10 phút, gọi
là giai đoạn “ngủ nhẹ”. Trạng thái ba gọi là “tiền ngủ sâu”, nhịp thở và nhịp
tim xuống đến mức thấp nhất rồi rất nhanh chóng người ta rơi vào trạng thái bốn.
Trạng thái bốn gọi là “ngủ sâu”, thở đều, tư thế nằm hầu như
không thay đổi. Lúc này, nếu bị đánh thức đột ngột, người ta không điều chỉnh
được cơ thể ngay lập tức mà thường cảm thấy mất thăng bằng, mất phương hướng
trong vài chục giây.
Sau khi đi vào “giai đoạn đầu” của giấc ngủ, con người rơi
vào “giai đoạn sau” của giấc ngủ rồi họ tỉnh nhưng vẫn ở trong trạng thái lơ
mơ. Liền ngay sau đó, chu kỳ giấc ngủ lại được lặp lại. Đây chính là lúc xảy ra
hiện tượng “bóng đè” hoặc “ác mộng”.
Rối loạn giấc ngủ hay chấn thương tâm lý
TS. Clete Kushida - Giám đốc Y khoa của Trung tâm Y tế Sleep
Stanford ở Redwood, California (Mỹ) - cho rằng bên cạnh nguyên nhân rối loạn
vòng tuần hoàn “ngủ - thức”, “bóng đè” còn là triệu chứng chung của một số bệnh
tâm thần, đặc biệt là những trường hợp tâm thần sau chấn thương tâm lý hoặc người
mắc chứng tâm thần hoảng loạn, hoặc trầm cảm, lo âu, căng thẳng, bế tắc trong
cuộc sống. Ngay cả chất lượng giấc ngủ cũng có tác động không nhỏ đến hiện tượng
“bóng đè”.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng hiện tượng bóng đè có liên hệ
gần với giấc ngủ có trạng thái REM. Những gì dường như xảy ra trong lúc bị bóng
đè là một phần bộ não thức dậy, hoàn toàn tỉnh táo nhận thức mọi vật xung
quanh, trong khi một phần khác của não bộ như vùng chỉ huy hệ thần kinh vận động
vẫn ở trong giấc ngủ có trạng thái REM khiến cho hầu hết cơ vận động của cơ thể
bị tê liệt. Nói cách khác, tâm trí có ý thức đã hoàn toàn tỉnh táo nhưng cơ thể
thì không.
Một khảo sát gần đây nhất tại Anh quốc được công bố trên Tạp
chí Giấc ngủ của tác giả Dan Dennis - Đại học Sheffield, trong một nghiên cứu,
30% trong số 862 người được hỏi nói rằng họ đã trải qua trạng thái bóng đè ít
nhất 1 lần trong đời. Khoảng 8% trong số đó nói rằng họ thường xuyên bị hiện tượng
này khi ngủ. Tổng hợp có hệ thống từ hơn 30 công trình nghiên cứu trên khắp thế
giới chỉ ra rằng 10% dân số gặp phải tình trạng bóng đè trong giấc ngủ và những
người nghiện ma túy, nhất là ma túy “đá” thường có tỉ lệ bị “bóng đè” cao nhất
mỗi khi họ đói thuốc.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, “bóng đè” không phải là một bệnh,
lại càng không liên quan đến vấn đề mê tín như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đây
thực chất là một dạng rối loạn giấc ngủ không có tổn thương thực thể. Nguyên
nhân chủ yếu là căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc và
những nguyên nhân tác động ngoại lai khác như các chất kích thích, rối loạn nhịp
tim...
Phòng “bóng đè” cách nào?
Để phòng hiện tượng “bóng đè”, trong nghiên cứu của tác giả
Sharpless BA - Đại học Washington (Mỹ), các chuyên gia về tâm thần cho biết, cần
ngủ đủ giấc, phòng ngủ thoáng, không khí lưu thông tốt, tư thế nằm thoải mái,
quần áo ngủ đủ rộng để máu lưu thông điều hòa, tránh tình trạng “ngày ngủ, đêm
thức”.
Hạn chế uống trà pha đậm, cà phê từ 3-5 tiếng đồng hồ trước
khi ngủ vì chất cafein sẽ kích thích não bộ, ngăn chặn cơn buồn ngủ. Khi hàm lượng
cafein giảm đi, người ta mới ngủ nhưng ngủ không sâu, nhất là ở “giai đoạn sau”
của giấc ngủ. Không nên ăn quá no hoặc uống quá nhiều rượu, bia trước khi ngủ
vì giấc ngủ trong trường hợp này thường bị não bộ bỏ qua giai đoạn “ngủ nhẹ” và
“tiền ngủ sâu” nên dễ bị “bóng đè”.
DS. Bùi Sỹ Thành/Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã comment.